Thứ Tư, 13 tháng 2, 2013

Vãng sanh quyết định chơn ngôn


Vãng sanh quyết định chơn ngôn

Vãng sanh quyết định chơn ngôn hay Vãng sanh Tịnh độ thần chú là mật ngôn được trì niệm phổ biến trong các khóa lễ Tịnh độ, cầu siêu. Thần chú này có tên đầy đủ là Bạt nhất thiết nghiệp chướng căn bản đắc sanh Tịnh độ Đà la ni. Cứ vào tên của Đà la ni (Tổng trì, thâu nhiếp vạn pháp, tạm gọi là chơn ngôn hoặc thần chú) cho biết thần chú này có công năng phá trừ tất cả nghiệp chướng căn bản, để được vãng sanh về Cực lạc. Theo kinh Niệm Phật Ba la mật, phẩm thứ 7 (HT.Thích Thiền Tâm dịch), Bồ tát Phổ Hiền vì thương xót chúng sanh thời mạt pháp nên nói Đà la ni này để trợ duyên được mau vãng sanh về Tịnh độ: “Lúc bấy giờ, Ngài Phổ Hiền Đại Bồ tát bạch Phật rằng: Thưa Thế Tôn! Con nay vì thương tưởng chúng sanh nơi thời mạt pháp, khi ấy kiếp giảm thọ mạng ngắn ngủi, phước đức kém thiếu, loạn trược tăng nhiều, kẻ chân thật tu hành rất ít. Con sẽ ban cho người niệm Phật thần chú Đà la ni này để thủ hộ thân tâm, nhổ tận gốc rễ nghiệp chướng, trừ sạch phiền não, được mau chóng sanh về Cực lạc, gọi là Bạt nhất thiết nghiệp chướng căn bản đắc sanh Tịnh độ Đà la ni. Liền nói chú rằng: Nam mô a di đa bà dạ, đa tha già đa dạ, đa điệt dạ tha, a di rị đô bà tỳ, a di rị đa tất đam bà tỳ, a di rị đa tỳ ca lan đế, a di rị đa tỳ ca lan đa, già di nị, già già na, chỉ đa ca lệ, ta bà ha.


Đức Phật A Di Đà - Ảnh tư liệu
Người niệm Phật phải giữ giới, ăn chay, thân khẩu ý đều phải thanh tịnh. Ngày đêm sáu thời, mỗi thời tụng 21 biến. Như vậy, diệt được các tội tứ trọng, ngũ nghịch, thập ác và hủy báng Chánh pháp. Thường được Phật A Di Đà hiện trên đỉnh đầu. Hiện đời an ổn, phước lạc. Khi trút hơi thở cuối cùng được tùy nguyện vãng sanh. Trì tụng đến ba chục ngàn biến liền thấy Phật ngay trước mặt”.
Xưa nay, phần lớn những hành giả tu tập pháp môn Tịnh độ thường trì niệm thần chú Vãng sanh theo phiên âm tiếng Hán. Chúng ta có thể trì niệm theo nguyên văn tiếng Phạn (đã phiên âm) và tìm hiểu đôi chút về “ý nghĩa” của thần chú này.
- Namo Amitàbhàya
(Na-mô  A-mi-ta-pha-gia)
Nam mô A di đa bà dạ
Quy mạng Vô Lượng Quang (A Di Đà)
- Tathàgatàya
(Ta-tha-ga-ta-gia)
Đa tha già đa dạ
Như Lai
- Tadyathà
(Ta-di-gia-tha)
Đa điệt dạ tha
Nên nói thần chú
- Amrto dbhave
(A-mờ-rật-tô  đờ-pha-vê)
A di rị đô bà tỳ
Cam lộ hiện lên
- Amrta sambhave
(A-mờ-rật-ta  sam-pha-vê)
A di rị đa tất đam bà tỳ
Cam lộ phát sinh
- Amrta vikrànte
(A-mờ-rật-ta  vi-kờ-răm-tê)
A di rị đa tỳ ca lan đế
Cam lộ dũng mãnh
- Amrta vikrànta gamini
(A-mờ-rật-ta  vi-kờ-răm-ta  ga-mi-ni)
A di rị đa tỳ ca lan đa già di nị
Đạt đến Cam lộ dũng mãnh
- Gagana kìrtti kare
(Ga-ga-na  kít-ti  ka-rê)
Già già na, chỉ đa ca lệ
Rải đầy hư không
- Svàhà
(Sờ-va-ha)
Ta bà ha
Thành tựu cát tường.
Như vậy, Bồ tát Phổ Hiền trong pháp hội tại Linh Sơn đã vì chúng sanh đời mạt pháp về sau mà xin phép Thế Tôn tuyên thuyết thần chú Vãng sanh. Theo lời dạy của Bồ tát, nếu có người nào phát nguyện sanh về Cực lạc nhưng vì phước mỏng nghiệp dày, niệm Phật chưa đạt đến nhất tâm thì có thể nương nhờ công đức của thần chú Vãng sanh để được như nguyện. Hành giả thực hành trai giới, giữ ba nghiệp: thân, miệng, ý thanh tịnh; mỗi ngày trì niệm 6 thời, mỗi thời 21 biến thì chắc chắn tiêu trừ tất cả nghiệp chướng, cho dù là ngũ nghịch hay thập ác tội chướng.  
Thần chú Vãng sanh có tầm quan trọng như thế, nên người tu pháp môn Tịnh độ luôn trì niệm nhằm thú hướng Lạc bang.

Năm phương tiện pháp môn niệm Phật


Thứ nhất Định tâm thiền; Thứ hai Chế tâm thiền; Thứ ba Thể chân thiền; Thứ tư Phương tiện tùy duyên thiền; Thứ năm Tức nhị biên phân biệt thiền.
Trụ tâm chuyên chú vào một đối tượng gọi là Định tâm thiền.  Như hành giả lúc niệm Phật khởi quán hào quang và sắc tướng của Phật, tâm thức an định sâu lắng gọi là Định tâm thiền.
Khi tâm được chuyên chú vào trạng thái định nhưng vẫn chưa dứt sạch thói quen vọng động và tán loạn, nay cần phải dùng phương pháp tu quán để nhiếp phục. Do đó, phải dùng phương tiện duyên tâm vào kim tướng của Phật để dứt trừ mọi vọng tưởng gọi là Chế tâm thiền.
Lại nữa, tuy đã điều phục được tâm, trụ tâm chuyên chú vào một đối tượng, nhưng đó chẳng phải lý quán, nó thuộc về sự tu hành. Cần phải thể nhập pháp quán không, khởi niệm tự hỏi ai chế tâm? Tức là thấy rõ không có cái ta, không có chủ thể điều phục tâm thì sẽ không có đối tượng Phật để quán và không có cái niệm vọng xuất hiện. Đây gọi là Thể chân thiền.
Tuy gọi là trạng thái Thể chân thiền, nhưng tâm thức vẫn còn ngưng trệ vào trạng thái không, vô số danh tướng chưa thể thấu rõ.  Nay lấy cái vô sở đắc làm phương tiện, từ trạng thái tâm không nhập pháp giả quán để soi xét mọi hiện tượng, không bị mê lầm do chấp cái tâm Không.  Đây gọi là Phương tiện thiền.
Lại nữa, trạng thái Thể chân thiền và Phương tiện thiền đều chưa lìa hết tâm chấp hai bên, nay quán trạng thái tịnh tâm và động tâm vốn vô tướng mạo, vắng bặt ngôn ngữ, xa rời tư tưởng và khái niệm. Đây gọi là Tức nhị biên thiền. Từ cạn cho đến sâu, phân biệt như vậy cho dễ hiểu, thực chất quán sát viên mãn thấu rõ các pháp vốn như vậy, không có phân biệt.
 Luận về năm môn niệm Phật:
Xưng danh niệm Phật tam muội vãng sanh môn.
Quán tướng diệt tội niệm Phật tam muội môn.
Chư cảnh duy tâm niệm Phật tam muội môn.
Siêu việt tâm cảnh niệm Phật tam muội môn.
Tánh khởi viên dung niệm Phật tam muội môn.
Chư Phật đại từ, đại bi, thường thuyết pháp giáo hóa chúng sanh, chư Bồ tát dùng nhiều phương pháp giải thích ý nghĩa pháp đó. Các ngài dùng vô số phương tiện khai mở Trí tuệ Bát nhã, lý do nào mà nói pháp Bát nhã ba la mật?  Phật dạy: “Vì muốn chư Bồ tát tăng trưởng pháp niệm Phật tam muội”.  Lý do nào mà khuyên niệm Phật?  Phật dạy: “Nếu có người niệm Phật, nên biết người này cùng với Văn Thù Sư Lợi không khác”. Vì sao như vậy? Vì pháp niệm Phật tam muội này phát sanh các đại tam muội của chư Phật, như Du hí tam muội, Thủ lăng nghiêm tam muội và nhiều món tam muội khác. Từ tam muội này mà thể nhập sâu xa vào trong biển Phật pháp, đầy đủ các phương tiện hiển bày. Nếu dùng một câu niệm Phật mà tu niệm, thẩm định rằng trong đó đã bao gồm tất cả pháp môn. Vì sao như vậy? Vì tất cả hiền thánh từ niệm Phật mà sanh, tất cả các món trí tuệ từ niệm Phật mà có. Cho đến hàng Thập tín Bồ tát và Tam hiền Bồ tát đều không xa rời niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng; không rời xa niệm Nhất thiết chủng trí. Từ sơ địa Bồ tát cho đến bát địa, cửu địa, thập địa cũng không xa rời niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng và niệm Nhất thiết chủng trí.
Nhưng do vì trí tuệ sai biệt mà lập các danh tướng, chúng sanh mê danh, vọng sanh kiến giải sai khác, đọa lạc vào cảnh ma giới.  Có người không hiểu rõ tính chất của giáo lý này một cách tường tận nên xem thường pháp niệm danh hiệu Phật, tự hiểu theo quan điểm sai lạc nên không nắm bắt được ý nghĩa thù thắng trong đó.  Nay nhân vì thương xót cho tình cảnh đó mà tôi trình bày ý nghĩa thâm sâu của pháp niệm Phật.  Luận về nhân của người tu đạo, không xa rời Tam hiền thập thánh. Nếu luận về quả chứng ngộ tức là quả vị Phật Như Lai. Người tu đạo thường tri ân và niệm mười phương tất cả chư Phật; Chứng đắc quả vị giải thoát phải chứng trú trạng thái thanh tịnh đệ nhất thiền. Nên biết rằng, trạng thái thiền đó muốn thể nhập vào cảnh giới chứng ngộ rốt ráo, không pháp môn nào hơn pháp niệm Phật. Nhưng than ôi! Kẻ hậu thế chưa từng thể nghiệm trong pháp hành, mất đi lợi ích to lớn của pháp môn này. Từ khả năng thấy biết hạn hẹp đó nên mất phương hướng của sự tu học, thật đáng xót thương!
Lại nữa, chư Phật vì sự giải khổ cho chúng sanh mà khuyên niệm danh hiệu Phật, nguyện sanh cực lạc quốc, nên mới dạy pháp niệm Phật vãng sanh. Chúng sanh tuy hoan hỉ Phật thân, nhưng nghiệp lực sâu dày nên không thấy, nên mới dạy pháp quán tướng diệt trừ tội chướng. Chúng sanh mê chấp cảnh trần, nên mới dạy pháp quán các cảnh do tâm tạo. Chúng sanh chấp các pháp thật có thật không, lạc vào hai bên nên dạy pháp quán xả ly tâm và cảnh. Chúng sanh vui đắm sâu vào cảnh không tịch của thiền định, chấp thủ trạng thái định, không rõ thật pháp, nên mới dạy pháp Tánh khởi Viên thông.
Đức Thế Tôn là bậc thầy cao quý! Bậc dẹp trừ tất cả ngã tướng, bậc khai mở pháp môn niệm Phật vi diệu, con đường thẳng tới giác ngộ trọn vẹn. Duy chỉ có bậc thông hiểu kinh luận, đầy đủ kinh nghiệm tu chứng, định tuệ viên dung, kiểm chứng pháp môn này hoàn toàn tương ưng với các kinh luận liễu nghĩa Đại thừa, đó là sự thật. Nên biết pháp trì danh niệm hiệu Phật thâm sâu khó nghĩ bàn, một câu niệm Phật mà chứa đủ các pháp môn, niềm tin thành tựu một khi đã y vào giáo nghĩa Tịnh độ mà thực hành.
Từ nghĩa lý năm môn niệm Phật mà xét, có từng bước làm phương tiện tu học.  Hành giả, lúc niệm “Nam mô A Di Đà Phật”, nguyện sanh cõi Cực lạc, còn gọi là pháp môn xưng danh hiệu Phật nguyện vãng sanh.
Hành giả quán tưởng thân Phật, chuyên chú không tán loạn, thì sẽ thấy tướng Phật quang minh rực rở chiếu soi hành giả, lúc bấy giờ tất cả tội chướng đều được tiêu trừ, gọi là pháp môn quán tướng Phật diệt tội.
Lại quán tướng Phật này là từ tâm khởi không ngoài cảnh khác, gọi là pháp môn quán các cảnh do tâm sanh.
Lại quán tâm này, không có thực tướng mạo nắm bắt, gọi là pháp môn quán xa rời tâm và cảnh.
Lúc bấy giờ, hành giả hướng đến trạng thái thiền định sâu lắng, buông xả tất cả tâm thức và ý thức, nhập Niết bàn, nương vào năng lực mười phương chư Phật gia trì và hộ niệm hưng khởi trí tuệ.  Hành giả đang ở trong nhất niệm, tịnh Phật quốc độ và thành tựu chúng sanh. Công đức tu học vốn có qua bốn giai đoạn trước trăm ngàn vạn phần không bằng một phần giai đoạn Tánh khởi viên thông này. Vì sao như vậy, không còn luận ở công sức mà có diệu dụng cùng khắp, nghĩa là từ một thân mà biến thành vô lượng thân. Hành giả tùy duyên hành đạo, được Phật hộ niệm thấu rõ tận cùng nghĩa lý Phật pháp, thành tựu mười hạnh nguyện của Phổ Hiền Bồ tát. Bổn nguyện như vậy, thể nghiệm pháp vốn như vậy, tức gọi là pháp tánh khởi khởi viên thông.
Trên đây đã trình bày xong năm phương tiện của pháp môn niệm Phật tam muội.
***
Hỏi: Như thế nào gọi là niệm Phật Tam muội?
Đáp: Kinh Đại Bửu Tích, chương 116 có dạy rằng: Văn Thù Sư Lợi bạch Phật rằng:  Bạch Đức Thế Tôn, tu như thế nào để mau chứng đắc quả vị vô thượng chánh đẳng chánh giác?.  Phật dạy: Nhất hạnh tam muội. Người nam, người nữ nào tu pháp Tam muội này thì mau chứng đắc quả vị vô thượng chánh đẳng chánh giác.
Ngài Văn Thù sư lợi thưa hỏi tiếp rằng: Thế nào gọi là niệm Phật tam muội? Phật dạy: Pháp giới một tướng, thể nhập vào pháp giới, gọi là nhất hạnh tam muội. Nếu có người nam, người nữ nào muốn nhập vào pháp nhất hạnh tam muội, nên khéo nghe pháp Bát nhã ba la mật, như pháp mà tu hành, sẽ nhập vào pháp nhất hạnh tam muội.  Như tâm duyên quán pháp giới, bất thối, bất hoại, không nghĩ bàn, không chướng ngại, không tướng trạng.
Người nam, người nữ đó, muốn nhập vào Tam muội này, ở tại một nơi thanh nhàn, xả bỏ tâm ý ô nhiễm, không giữ tướng trạng trong tâm, chuyên tâm một vị Phật mà xưng danh hiệu. Tùy theo phương vị, ngồi ngay thẳng đoan nghiêm, nhất tâm xưng niệm tương tục danh hiệu Phật, tức là trong nhất tâm niệm có thể thấy ba đời tất cả chư Phật. Vì sao như vậy? Niệm công đức vô lượng vô biên của của một vị Phật cũng đồng với niệm công đức biện tài vô lượng của vô lượng chư Phật.  Nhập nhất hạnh tam muội này thì thông suốt rõ ràng vô số các cõi nước chư Phật vốn không có tướng sai biệt. Văn này được xác chứng!
Hỏi: Nhiều người họa hình tượng Phật để quán tưởng và chiêm bái, có đúng với Thánh giáo chăng?
Đáp: Kinh Đại Bửu Tích chương 89 có dạy: Lúc bấy giờ Thường Tinh Tấn Bồ tát muốn họa hình tượng Phật, đi vào chốn núi rừng thâm sâu vắng lặng, không có bóng người qua lại, xa rời nơi có cầm thú, để chuyên tâm làm việc này. Ngài lấy cỏ làm bồ đoàn mà ngồi trước bức họa tượng, đoan tâm chánh niệm quán hình tượng Phật. Quán sát xong rồi, khởi niệm như vầy: Như lai hi hữu vi diệu, hình tượng còn đoan nghiêm vi diệu như thế, huống gì là pháp thân thực của Đức Như Lai!
Lại khởi niệm như sau: Làm sao mà quán Phật. Lúc bấy giờ, Lâm Thần biết rõ tâm niệm của Bồ tát Thường Tinh Tấn, liền bạch Bồ tát rằng: Này thiện nam tử! Có phải ông đang nghĩ cách như thế nào để quán Phật?; Và bảo rằng: Nếu muốn quán Phật, nên quán hình tượng Phật, quán hình tượng này như quán Phật không khác, gọi là quán Phật, quán Phật như vậy, gọi là sự quán tưởng tuyệt hảo nhất.
Lúc bấy giờ Đại Tinh Tấn Bồ tát khởi niệm như sau: Quán tưởng hình tượng Phật, chẳng phải giác, chẳng phải tri, tất cả pháp đều như vậy, như là văn tự, văn tự như thế, bản tính không tịch, vốn không tướng nắm bắt, thân tướng của Như Lai cũng lại như thế. Hình tượng chẳng phải chứng, chẳng phải quả, chẳng phải đắc, chẳng phải trụ, chẳng phải đi, chẳng phải đến, chẳng sanh, chẳng diệt, chẳng phải tịnh, chẳng phải sắc, chẳng phải tham, sân và si.
Hình tượng chẳng phải ấm, giới, nhập, chẳng phải đầu tiên, chẳng phải giữa, chẳng phải sau. Tất cả các pháp cũng là như vậy, thân tướng Như Lai cũng lại như vậy.  Như hình tượng này, chẳng phải giác, chẳng phải tri, chẳng phải tạo tác, tất cả chư Phật cũng lại như thế, cho đến lục căn cũng lại như thế.  Bồ tát quán thân Như Lai như vậy, ngồi kiết già, ở trong tam thất nhật (21 ngày) thành tựu ngũ thông, cúng dường chư Phật.  Chư thiên cũng rãi hoa cúng dường chư Phật. Từ công đức tán thán chư Phật, trong pháp hội có hai vạn người chứng trú vào đạo Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, vô số người trụ trong công đức của hàng Nhị thừa.  Đại Tinh Tấn, chính là đức Thích Ca Mâu Ni Phật đã từng như vậy. Văn này đã rõ ràng.
Ước theo Tứ giáo mà luận, phàm tâm không thể tự độc lập mà sanh, tất phải nương vào giả duyên mà hiện khởi. Hành giả lúc niệm Phật, ý tưởng làm nhân; hào quang của Như Lai là duyên, cũng gọi là pháp trần, thuộc đối tượng của ý căn. Niệm khởi lên, tức là pháp sanh khởi, quán căn trần, năng niệm và sở niệm này, cả ba tướng đều lay động, sanh diệt liên tục, niệm niệm không dừng nghỉ. Tất cả là không, tức thuộc quan điểm của tiểu thừa tạng giáo.
Tức là tâm quán niệm Phật khởi, hay phát khởi cái đối tượng, nó vốn là không, do vọng tâm khởi, tâm thật không khởi, niệm khởi vốn không tự tánh, thể nó vốn là không.  Quán tướng Phật, như hình tượng phản ánh trong tấm kính, như hoa đốm giữa hư không, không có Phật, không có niệm, tức là thuộc quan điểm của Đại thừa thông giáo.
Tức tâm quán niệm Phật khởi, tức là pháp giả danh, từ cạn đến sâu thông suốt, vô lượng danh tướng, thấy rõ như nắm trong lòng bàn tay; Thấu rõ tâm này là Như Lai tạng, đoạn trừ hạt giống mê hoặc có từ nhiều kiếp mới chứng chân thường. Xa rời chấp ngã nhị biên, vô Phật và vô niệm, đó là quan điểm của Đại thừa biệt giáo.
Tức tâm quán niệm Phật khởi, tức không, tức giả, tức trung. Hoặc là căn hoặc là trần đều là pháp giới; Một niệm khởi lên duyên cõi nước chư Phật; Nhất niệm chiếu sáng lục đạo chúng sanh.  Không có trước hay sau, liễu ngộ tánh giác xưa nay là như vậy.  Như người đại phước giữ đá hóa ngọc, không cần xả niệm, chẳng cầu ly niệm, nhị biên tức trung đạo, vô Phật vô niệm, là quan điểm của Đại thừa viên giáo; Kinh Anh Lạc nói rõ sự chứng ngộ của Như Lai là ý nghĩa này vậy.

Tỳ kheo Thích Đức Trí dịch

Sự mầu nhiệm & nét đẹp của niệm Phật



Nam mô A Di Đà
Pháp môn Niệm Phật, câu niệm "Nam mô A Di Đà Phật" hoặc ngắn gọn hơn "A Di Đà Phật" đã hiện hữu với dân tộc Việt Nam hơn ngàn năm nay. Lúc tôi lên tám tuổi (1950), sống ở Hải Phòng, bà nội thường kể cho nghe Hội Chảy chùa Hương lúc bà nội còn trẻ (thập niên 1920 & 1930). Lúc này đường đi còn khó khăn, đường lên chùa núi dốc quanh co. Thế nhưng các cụ cứ chống gậy trúc mà miệng thì niệm "Nam mô Quán Thế Âm Bồ tát". Theo lời bà kể lại thì chẳng mấy chốc mà leo tới nơi, chẳng mệt nhọc gì cả. Đoàn người lên núi gặp đoàn người xuống núi, đoàn người đi ra gặp đoàn người đi vào. Khi gặp nhau ai nấy đều cất tiếng chào "A Di Đà Phật!". Câu niệm, câu chào âm vang cả một vùng núi non hùng vĩ, biến cuộc hành hương thành một hành trình vừa linh thiêng vừa nên thơ có lẽ độc đáo nhất trên thế giới. Hình ảnh này đã được nhà thơ Nguyễn Nhược Pháp ghi lại trong bài thơ Chùa Hương:
Mẹ bảo "Đường còn lâu,
Cứ đi ta vừa cầu.
Quan Thế Âm Bồ tát.
Là tha hồ đi mau" .
Trong đoàn người đi như nước chảy đó, giữa khói hương trầm nghi ngút, "Hương như là sao lạc" cô gái 15 tuổi - nhân vật chính của bài thơ Chùa Hương, theo cha mẹ đi trẩy hội, vì còn e thẹn cho nên:
Thẹn thùng em không nói.
Nam mô A Di Đà.
Lúc còn nhỏ thì không để ý. Nay lúc tuổi già, hồi tưởng lại tâm linh dân tộc, suy nghĩ lại câu niệm "Nam mô A Di Đà Phật" hoặc "A Di Đà Phật" của dân mình mới thấy nó có một ý nghĩa linh thiêng và đẹp tuyệt vời. Nó không phải chỉ nằm trong phạm vi tôn giáo mà còn hòa nhập thành truyền thống văn hóa dân tộc. Nó trở thành phong cách sống hài hòa giữa đạo và đời. Khi đi chùa gặp nhau, hoặc trong các lễ hội Phật, chúng ta cất tiếng "A Di Đà Phật!" thì "A Di Đà Phật" trở thành một câu chào hỏi, một lời thân thiện, một lời mừng rỡ rằng ta còn có nhau, một lời chúc tụng, một sự kính trọng, một ước vọng sau này (khi vãng sinh) sẽ lại gặp nhau trên quốc độ thanh tịnh của Phật A Di Đà.
Đó là hình ảnh đẹp ngoài đời. Còn trong gia đình, mỗi tối chúng ta thấy bà nội, bà ngoại, mẹ ta ngồi lâm râm lần chuỗi hạt niệm Phật. Các cụ niệm Phật để làm gì vậy? Đối với chư Tăng Ni, hoặc Phật tử tu tại gia chắc chắn ai cũng đã hiểu rõ mục đích của niệm Phật. Thế nhưng đối với thế hệ trẻ, người khác đạo có thể họ không hiểu ông/bà/cha mẹ hoặc chúng ta niệm Phật để làm gì? Hoặc giả nếu có hiểu thì cũng có thể hiểu sai cho nên chúng ta cần nói ra cho rõ. Chúng ta cần phân biệt đi chùa lễ Phật và niệm Phật là hai chuyện hoàn toàn khác nhau. Đi lễ chùa có khi chỉ là hành vi hoàn toàn tín ngưỡng, nhưng niệm Phật lại là hành vi huân tập, tu dưỡng bản thân. Ngoài ra chúng ta cần phải làm sáng tỏ cái Có và Không có trong niệm Phật để cho thấy đạo Phật không phải là thần giáo, chuyên cầu nguyện van vái để xin xỏ cái này cái kia, rồi trở thành tôi tớ cho thần linh.
Những cái Không có trong niệm Phật
1. Niệm Phật không phải để cầu xin Phật ban cho một điều ước nào đó.
2. Niệm Phật không phải để tăng thêm sức mạnh, thêm can đảm để đối phó với kẻ thù. Cho nên trong Phật giáo trải qua hơn 2.500 năm, không hề có chuyện một đoàn quân lâm trận giương cao biểu tượng hay hình Đức Phật để hăng máu, can đảm xông lên chém giết kẻ thù.
3. Niệm Phật không phải là để van xin Phật ban cho một giải pháp để giải quyết một tình thế khó khăn.
4. Niệm Phật không phải để xin Phật ban bố phép mầu, vặn cổ kẻ thù giúp chúng ta.
5. Niệm Phật không phải là quỵ lụy khóc than, trở nên hèn kém đối với Phật.
6. Niệm Phật không phải xin Phật chỉ lối, đưa đường cho chúng ta buôn may, bán đắt.
7. Niệm Phật không phải để dông dài kể lể, tâm sự chuyện kín, chuyện riêng tư với Phật.
8. Niệm Phật không giống như cầu nguyện, van vái thần linh.
9. Niệm Phật không phải để trở nên đời đời kiếp kiếp làm tôi đòi cho Phật.
10. Niệm Phật nhất thiết không phải để quên đời.
Những cái Có trong niệm Phật
1. Niệm Phật để tâm hồn thanh thản.
2. Niệm Phật để an trụ tâm. Đang nóng nảy, niệm Phật lòng dịu hẳn xuống. Đang thù hận, niệm Phật hận thù hóa giải. Đang tham lam, niệm Phật bớt tham…
3. Niệm Phật để không cho niệm ác nảy sinh. Nếu niệm ác đã nảy sinh thì không cho nó phát triển.
4. Niệm Phật để giữ gìn thân-khẩu-ý.
5. Niệm Phật là phương thuật giữ gìn Chánh niệm.
6. Niệm Phật tới vô niệm chính là Thiền.
7. Niệm Phật để nuôi dưỡng lòng Từ bi.
8. Niệm Phật để trở thành Phật chứ không phải trở thành nô lệ hay tôi tớ cho Phật.
9. Niệm Phật cũng là phép trị liệu, bảo vệ sức khỏe.
10. Niệm Phật để giải trừ bớt ác nghiệp gây tạo trong quá khứ.
11. Niệm Phật để lúc lâm chung chẳng còn lo sợ, chẳng cần phải nhờ ai cứu rỗi, một mình thẳng tiến lên Cực lạc của Phật A Di Đà.
12. Càng niệm Phật đầu óc càng sáng suốt, lòng dạ thảo ngay, tâm tính hiền từ.
13. Kẻ ác khẩu, nói năng hung dữ chuyên niệm Phật sẽ giải trừ được khẩu nghiệp.
14. Niệm Phật khiến lời nói dịu dàng, khiếm tốn do đó không gây thù chuốc oán, không bị "vạ miệng".
15. Mặt mày hung dữ, niệm Phật trở nên hiền từ, dễ coi. Niệm Phật để chuyển nghiệp.
16. Niệm Phật khiến đi đứng dịu dàng, cử chỉ khoan thai.
17. Niệm Phật có thể ngăn chặn được cám dỗ điên cuồng.
18. Chán nản, thất vọng não nề, cùng đường không lối thoát muốn tự tử chết cho rồi, niệm Phật khiến tâm địa bình ổn từ đó mà tìm ra giải đáp hợp lý.
19. Lâm vào vòng lao lý, tù tội, mỗi tối nên ngồi ở tư thế "bán già", xoay mặt vào tường niệm Phật khoảng nửa tiếng đồng hồ, sẽ thấy tâm hồn thanh thản, thời gian ở tù qua nhanh, không phạm thêm tội lỗi, may mắn ân xá, giảm án sẽ tới. Nhờ niệm Phật mà sau khi ở tù ra lấy lại tự tin để xây dựng cuộc đời mới.
20. Niệm Phật khiến ta bình tĩnh, không lao vào chuyện thị phi, khiến sau này hối không kịp.
21. Niệm Phật có thể trở thành Thánh tăng, đạt tới trạng thái bất động, nhập đại định. Ngọn lửa và trái tim của Bồ tát Thích Quảng Đức là minh chứng hùng hồn nhất. Đó là công năng của niệm Phật chứ Ngài chẳng có phép mầu nhiệm của thần linh nào hết.
Tại sao niệm Phật lại có oai lực nhiệm mầu như vậy?
Niệm Phật phát xuất từ pháp môn Tịnh độ, theo kinh A Di Đà. Người niệm Phật luôn được chư Phật gia hộ. Chúng ta hãy nghe lời Phật dạy ngài Xá Lợi Phất:
"Này Xá Lợi Phất, ý ông thế nào? Sao gọi kinh này là Nhất Thiết Chư Phật Sở Hộ Niệm? Xá Lợi Phất, nếu có thiện nam hay thiện nữ, nghe kinh này rồi mà chịu nhớ lấy, cả những danh hiệu, chư Phật sáu phương nghe rồi nhớ lấy, thì thiện nam ấy, thiện nữ ấy đều được hết thảy chư Phật hộ niệm và được tới cõi A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ Đề chẳng hề thối chuyển"(1).
Chính vì thế mà khi chúng ta cất tiếng niệm "Nam mô A Di Đà Phật" hoặc "A Di Đà Phật" thì chư Phật sáu phương cùng hoan hỷ và hết lòng trợ lực. Hơn thế nữa, vì hào quang của A Di Đà Phật chiếu xuyên suốt không chướng ngại, cho nên dù ở đâu, khi chúng ta niệm danh hiệu Phật A Di Đà thì Ngài cũng sẽ hộ trì cho chúng ta đạt mục đích và không thoái chuyển.
Còn trong pháp hội ở núi Kỳ Xà Quật, ông trưởng giả Diệu Nguyệt từ trong đại chúng đứng lên khẩn thiết thưa thỉnh Phật như sau:
"Như Đức Thế Tôn từng chỉ dạy, đời mạt pháp các chúng sanh trong cõi Diêm Phù Đề cang cường, ngỗ nghịch, tâm tạp, nghiệp nặng, mê đắm ngũ dục, không biết hiếu thuận cha mẹ, không biết cung kính sư trưởng, không thực lòng quy y Tam bảo, thiếu năng lực thọ trì năm giới cấm, làm đủ mọi chuyện tệ ác, phỉ báng Thánh nhân v.v… Cho nên con suy gẫm như thế này, phải có một môn tu thật đơn giản, thật tiện lợi nhất, dễ dàng nhất để tất cả những chúng sanh kia khỏi đọa vào các đường ác, chấm dứt luân chuyển sanh tử trong ba cõi, được thọ dụng pháp lạc, sớm bước lên địa vị Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác". Đức Phật đã dạy như sau:
"Muốn hàng phục và chuyển biến cái sát-na tâm sanh diệt ấy, thì không có pháp nào hơn pháp niệm Phật. Này Diệu Nguyệt cư sĩ, nếu có thiện nam tử, thiện nữ nhân nào, đủ lòng tin, thì chỉ cần chuyên nhất xưng niệm danh hiệu Nam mô A Di Đà Phật, suốt cả sáu thời trong ngày và giữ trọn đời không thay đổi, thì hiện tiền chiêu cảm được y báo và chánh báo của Phật A Di Đà ở cõi Cưc lạc". Và Đức Phật nhấn mạnh thêm "Đây là môn tu Đại Oai lực, Đại Phước đức"(2).
Ngay các bậc thượng thủ như Bồ tát Văn Thù, Bồ tát Phổ Hiền cũng đều niệm Phật, Thiền sư Bách Trượng (720-814) cũng phải nhận định rằng "Tu hành, dùng pháp môn Niệm Phật là vững vàng nhất"(3).
Những oai lực nhiệm mầu và phước đức của phép niệm Phật nói ở trên thuộc về mặt kinh điển và tín niệm. Còn về phương diện lý giải khoa học thì khi chúng ta chí tâm, chí thành niệm Phật thì chúng ta sẽ phát huy hết năng lực của trí tuệ, tâm đại bi, sự dũng mãnh của chính mình. Đạt tới trạng thái này rồi thì ung dung tự tại, không còn lo sợ gì nữa.
Thực hành niệm Phật
- Buổi tối nên niệm Phật.
- Trước khi đi ngủ nên niệm Phật cho đến khi nào đầu óc thanh thản để từ từ đi vào giấc ngủ.
- Sáng thức dậy nên niệm Phật, dù vài câu, bởi vì sau giấc ngủ dài đầu óc con người thường hôn trầm. Niệm Phật vào đầu sớm mai cũng là dấu hiệu bắt đầu một ngày mới tốt lành.
- Khi nào thấy buồn chán nên niệm Phật.
- Thấy mất tự tin nên niệm Phật.
- Thấy lòng xao xuyến nên niệm Phật.
- Thấy có thể bị cám dỗ nên niệm Phật.
- Thấy thời gian kéo dài, vô vị nên niệm Phật.
- Gặp rắc rối về pháp lý nên niệm Phật để bình tĩnh ứng phó.
- Bị ai chọc giận, công kích nên niệm Phật.
- Tại đám đông tụ họp, ăn uống, vui chơi, thấy người ta nói chuyện "vô duyên", tào lao, nhảm nhí mất thì giờ, nên niệm Phật để không dây dưa vào chuyện vô ích.
- Các em khi vào thi, nên niệm Phật để đầu óc thanh thản, bình tĩnh. Thiếu bình tĩnh, quá lo âu, xao xuyến đưa đến việc không đọc kỹ câu hỏi, đề tài, tính toán sai, lạc đề v.v…
- Đêm khuya thanh vắng một mình trên tàu, xe, trên sông nước nên niệm Phật.
- Khi bệnh tật, đau ốm nằm nhà thương nên niệm Phật để không mất tinh thần, không sợ chết. Càng rên la, càng mất tinh thần, càng chết sớm, càng làm khổ gia đình.
- Nếu niệm Phật kết hợp với theo dõi hơi thở thì công năng rất lớn chẳng khác gì thiền định vậy.
An vui và tự tại
Niệm Phật miễn phí, không phải trả tiền mà cũng không bị đóng thuế, đem lại tốt lành cho đời tại sao chúng ta không thử xem? Xin quý vị mạnh dạn thực hành. Nếu thấy chẳng công hiệu gì cả thì bỏ đi cũng chẳng mất mát gì. Đức Phật cũng chẳng phiền trách hay trừng phạt bạn. Cuối cùng, xin thưa rằng như chúng ta đây - những con người gọi là trần tục, hưởng tất cả những lạc thú của kiếp người mà vẫn cảm thấy lo âu, xao xuyến, bất an và lo sợ ngày mai. Trong khi đó, hàng ngàn Tăng/Ni trên khắp thế giới, sống đời âm thầm, đơn sơ, đạm bạc, không gia đình, không của cải, không danh vọng, không quyền thế, không lạc thú trần gian như chúng ta…thế mà các vị lúc nào tâm hồn cũng thanh thản, cử chỉ dịu dàng, giới hạnh trang nghiêm, miệt mài đi tới mục đích cuối cùng: Giải thoát cho chính mình và cứu độ chúng sinh.
Tại sao những vị này có thể "hy sinh" và sống đời cao thượng đến như thế? Các ngài có gì bí mật chăng? Xin thưa, quý ngài chẳng có gì bí mật nào cả. Các ngài cũng chẳng có phép màu hoặc sự che chở của bất cứ thần linh mầu nhiệm nào cả. Hành trang duy nhất mà các ngài mang theo là giáo lý của Đức Phật và phương tiện tiến tu là thiền định hoặc tụng kinh, niệm Phật.
Để nghiên cứu thấu đáo hơn về pháp môn Niệm Phật, quý bạn có thể tham khảo Tông chỉ pháp môn Tịnh độ của HT.Thích Trí Tịnh soạn, Niệm Phật thập yếuKinh Niệm Phật Ba-la-mật do HT.Thích Thiền Tâm dịch, Một đời vãng sanh, chấm dứt luân hồi của HT.Tịnh Không. Kính chúc quý bạn thành công. Thành công ở đây có nghĩa là an vui và tự tại - một giá trị to lớn không gì đối sánh được trên thế gian này.

HIỂU NHƯ THẾ NÀO VỀ NIỆM PHẬT

Quý thầy giảng về Tịnh độ, dạy phương cách niệm Phật vẫn hay nhắc mình rằng: “Khi niệm Phật, quý vị nhớ chú tâm, đừng để cho tạp niệm chen vào, đừng nhớ nghĩ quá khứ, mơ tưởng tương lai, chỉ nhớ tới Phật thôi…”.

Lời nhắc ấy ngụ ý rằng, những tạp niệm (gồm những ý niệm mung lung) mà mình vẫn nhớ trong thời khắc niệm Phật là những chuyện thuộc về cuộc sống đã qua (quá khứ) và những tính toán, ước vọng tương lai (những chuyện chưa tới) với những lo lắng, mong muốn, hoài niệm vui buồn. Đó là những chuyện như thằng con tôi, cái nhà của tôi, tôi của ngày mai mốt đó… chen ngang vào hình ảnh Đức Phật để rồi nó dắt dẫn mình ra khỏi “niệm Phật đường” dù tay mình vẫn lần chuỗi hạt, miệng mình vẫn lẩm nhẩm “Nam-mô A Di Đà Phật”.



Chư Tăng và Phật tử hướng về Đức Từ phụ A Di Đà nhân khánh đản của Ngài - Ảnh: Chùa Hoằng Pháp
Chắc hành giả niệm Phật ai cũng đã từng chiêm ngưỡng, đảnh lễ hình tượng Đức Phật A Di Đà và có để ý thấy một tay Ngài cầm hoa sen và tay kia Ngài duỗi xuống? Tôi chiêm ngưỡng và trộm nghĩ về cánh tay Ngài duỗi xuống ấy là cánh tay sắc vàng chờ nắm lấy bàn tay của chúng sinh trong sáu nẻo luân hồi đang chìm đắm trong sông mê, biển ái với tham-sân-si ngút ngàn. Tất nhiên, điều kiện để chúng sinh có thể nắm được tay Phật mà về Tây phương Cực lạc trong ý nghĩa tiếp dẫn mà người tu Tịnh độ vẫn tâm tâm niệm niệm là hành giả phải có một bàn tay rảnh rang để giơ thật cao và mạnh dạn nắm tay Ngài.
Trong dòng quán niệm, ta sẽ dễ dàng nhận diện hai bàn tay mình luôn luôn bận rộn nắm hai “món độc” mà mình cho rằng nó là cái quan trọng nhứt, là tài sản, là danh dự, là những người thân thương… được quy ra trong cái tôi và cái của tôi. Cái tôi lúc nào cũng cần danh dự, cũng cần quyền lực… nên hễ ai coi thường mình, ai đó phỉ báng mình… thì mình sẽ không chấp nhận được, sẽ hùng hổ, sân si, bằng mọi cách để bảo vệ nó.
Cái của tôi là những sở hữu từ vật chất đến con người, con vật mà mình yêu quý, thích thú… nên ai đụng tới, lấy đi hoặc tự bản thân nó theo quy luật sinh, trụ, dị, diệt mà biến đổi, thân hoại, mạng chung cũng làm mình đớn đau, khó chấp nhận, ra sức nắm níu, gìn giữ. Sở dĩ mình còn bận nắm cái tôi và cái của tôi là bởi mình đặt mình ở vị trí trung tâm, do bản ngã của mình quá lớn, do mình không sống được với giáo lý nhân-duyên-quả nên mình không biết mọi thứ hợp-tan đều có cái lý của nó.
Hay nói cách khác là do ta không nhận diện được sự thật của vạn pháp, do duyên sinh, duyên diệt; ta cũng không sống được với giáo lý “nhất thiết duy tâm tạo” nên ta cứ mãi tạo những lớp vỏ thật to tát, chấp chặt những cái đi qua dòng cuộc sống xung quanh và trong tâm thức nên càng ngày ta càng gánh một gánh thật nặng. Cái gánh bản thân và gánh gia đình, tài sản… ấy càng nặng, càng nhiều thì mình sẽ khó buông, khó bỏ. Nên hễ mỗi lúc bắt chân ngồi thiền trong tư thế hoa sen hoặc ngồi bán già niệm Phật mình lại thấy những “bóng dáng thân quen” của danh-sắc-tài-thực-thùy (ngũ dục) và những người thân thương, những khối tài sản xuất hiện, kêu réo mình phải chăm sóc, phải bận lòng…
Xét ở khía cạnh thiền tập thì đó là do tâm ta chưa có định, lý do sâu xa là do ta chưa nhận diện được những “giả tạm” của những thứ thuộc về cái tôi và cái của tôi như đã chia sẻ nên mình cứ mãi nghĩ về nó và bị chi phối. Có ai đó nói một câu rất hay về hiện trạng bất định này là “con khỉ vẫn thức trong mỗi giấc thiền”. Nghĩa là tâm viên ý mã đó với những tính toán, đòi hỏi, những ham muốn, những nắm giữ… vẫn cứ còn đó, chi phối dữ dội sự thực tập niệm Phật hay ngồi thiền của mình, làm tâm mình không yên nên thân động đậy và dừng lại, đứng lên hoặc ngồi đó niệm niệm nhưng chỉ là hình thức mà thôi.
Do vậy, nói niệm Phật dễ, và 48 lời nguyện của Đức Phật A Di Đà trong hạnh tiếp dẫn tưởng là thực hiện không có gì khó khăn nhưng kỳ thực cũng cần dụng công không kém các pháp môn tu tập khác. Nói là trước lúc lâm chung chỉ cần niệm 10 niệm danh hiệu Phật A Di Đà thì Ngài và Thánh chúng liền phóng quang tiếp dẫn.
Mới nghe, nhiều người bảo sao dễ vãng sanh đến thế nhưng thử rơi vào tình huống sắp mạng chung sẽ thấy ta không thể nhớ nổi câu niệm Phật và nhớ thì chắc gì đã niệm được. Kinh nghiệm này ta dễ dàng rút tỉa từ chính những lúc bệnh nặng, lên cơn sốt hoặc khi bị tai nạn… Những lúc cần phải quán niệm về sự hoại diệt của thân, giữ tâm định tĩnh để nhớ Phật, niệm Phật, để an nhiên trong lúc cam go đó mình đã ngay lập tức quên sạch, chỉ còn nhớ mỗi cơn đau, nhớ người thân… trong nỗi tủi thân, phiền não.
Chưa phải là thân hoại, mạng chung mà ta còn không nhớ nổi “tôn chỉ” để được vãng sanh, tiếp dẫn; đó chính là dấu hiệu cho thấy ta niệm Phật chưa miên mật, chưa đủ “level” để có thể nhớ Phật, niệm Phật trong bất kỳ tình huống nào.
Có lẽ vì vậy, mà những giờ phút quan trọng như lúc “cận tử” ta cần sự hộ niệm, trợ niệm của bạn đồng tu để nhắc mình, để tăng thêm năng lượng cho mình. Và, đương nhiên, muốn giây phút lâm chung được là giây phút lành, có người yểm trợ mình thì trong đời sống, tu học hàng ngày mình cũng cần phải “tu hành có bạn”, phải tham gia hội chúng, phát tâm yểm trợ người hoạn nạn hoặc người trước lúc lâm chung. Đó cũng chính là nhân-quả hiển bày công bằng mà nếu ta có thực tập quán chiếu về giáo lý này ta sẽ bắt đầu hành theo con đường ấy.



Hành giả niệm Phật
Trở lại với việc buông và bỏ như đã nói trong tiến trình học Phật nói chung và thực tập phương pháp niệm Phật nói riêng sẽ thấy đó là điều kiện cần để ta có thể nhẹ nhàng xả báo thân khi đến lúc phải hoại diệt. Nếu còn nắm giữ cái tôi và cái của tôi ta sẽ thọ cảm sự đau khổ, tủi thân, luyến tiếc và sự giằng qua xé lại trong ta với những người, vật ta sở hữu. Điều đó sẽ làm ta không nhứt tâm nhớ nghĩ, giữ gìn câu niệm “Nam-mô A Di Đà Phật” một cách liên tục.
Ngay lúc mình còn khỏe mạnh mình phải học buông dần, bỏ dần thông qua quán chiếu vô thường, thông qua việc sống với giáo lý “ít muốn, biết đủ” để không keo kiết, không chấp giữ, không ích kỷ… chỉ biết nghĩ cho mình và cho riêng những người được gọi tên là “thân bằng quyến thuộc” xung quanh mình. Để đi tới con đường thực tập tốt đẹp đó thuận duyên ta cũng cần “Phật hóa” người thân để họ cùng nhìn hướng với mình. Được vậy thì động lực để ta đi tới đích sẽ giàu thêm và ta sẽ đi nhanh hơn bởi ta có một “đại chúng” tâm linh cũng là gia đình huyết thống…
Vậy, tóm lại, niệm Phật có nghĩa là ta cần phải thực tập thường xuyên, kết hợp với việc buông, bỏ những sở hữu của thế gian, quán chiếu mọi thứ vô thường theo lý nhân duyên để khi nó đến hay đi mình cũng không vì thế mà đau khổ, bận lòng rồi đánh rơi câu niệm Phật. Đồng thời, trong quá trình học-hành lời Phật dạy, mình dần sửa đổi thân-tâm trở nên đoan nghiêm, chân chánh để từ đó “hoằng pháp lợi sanh”, bằng “thân giáo” để giúp cho người thân-thương và chúng sinh có duyên với mình có cảm tình Phật giáo, cùng đi với mình trên lộ trình giác ngộ, giải thoát.

Đó cũng nằm trong ý nghĩa tu là tự độ, độ tha, làm lợi mình, lợi người để tăng trưởng phước điền, củng cố niềm tin, tạo ra một chúng hội đồng tu trong ngôi nhà tâm linh đủ vững chãi để “đi như một dòng sông” chứ không phải đơn lẻ như một giọt nước. Đi trong tinh thần cộng trụ với những năng lượng lành từ việc thực tập Phật pháp, trong tôn chỉ “đoạn tất cả việc ác, làm tất cả việc lành” thì cũng có nghĩa là ta đang kiến tạo một Phật quốc ở ngay hiện tại này, nơi chính cõi Ta-bà này. Và, đó được xem là nhân để tiến trình sanh-tử của mình trở nên hanh thông, và sanh về cõi lành đương nhiên là kết quả tất yếu theo tinh thần nhân quả mà Phật dạy!
Lưu Đình Long